Tuyên truyền tham gia góp ý nội dung sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

     Ngày 16/5, UBND thành phố Hà Nội ban hành công văn số 2021/UBND-NC nhằm tổ chức và hướng dẫn việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID. Đây là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu công dân.

     Thực hiện Kế hoạch số 524/KH-BGDĐT ngày 08/5/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 09/5/2025 của UBND Thành phố về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Công văn số 2188/BGDĐT-PC ngày 08/5/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Công văn số 04/CV-HĐ ngày 10/5/2025 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội; Công văn số 1592/SGDĐT-VP ngày 15/5/2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc tổ chức truyền thông và lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Ban giám hiệu Trường THPT Vạn Xuân – Hoài Đức triển khai tổ chức, quán triệt và tuyên truyền đến 100% cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, cài đặt ứng dụng VNeID và tham gia góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 với các nội dung, các bước trình tự thực hiện góp ý qua ứng dụng VNeID như sau:

     Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID, tại màn hình trang chủ nhấn vào Góp ý nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

     Bước 2: Chọn Tiện ích “Lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID”.

     Bước 3: Chọn Đọc để đọc nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều. Chọn Gửi góp ý để thực hiện nhập và gửi nội dung góp ý.

     Bước 4: Chọn vào thanh tìm kiếm để chọn đọc nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều trong Hiến pháp.

     Bước 5: Chọn Tán thành hoặc Không tán thành với sửa đổi, bổ sung Điều đang chọn. Chọn Gửi.

     Lưu ý: Không tán thành bắt buộc phải nhập nội dung góp ý.

     Bước 6: Chọn Xác nhận.

     Bước 7: Công dân có thể đóng góp ý kiến nội dung khác và góp ý kỹ thuật lập Hiến và các sửa đổi, bổ sung các Điều khác.

     Bước 8: Nhập thông tin Chức vụ/Học vị. Chọn Gửi.

     Tham khảo video hướng dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=hS5olCz-rrs

     Nội dung sửa đổi tập trung vào việc tinh gọn bộ máy nhà nước, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tăng cường vai trò của nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ, nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội. Đổi mới quản lý địa phương, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

     Dự thảo Nghị quyết dự kiến sửa đổi 8 điều gồm Điều 9, 10 (thuộc Chương 1 về chế độ chính trị), Điều 84 (thuộc Chương V về Quốc hội); các Điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc Chương 9 về chính quyền địa phương bao gồm những nội dung quan trọng như tổ chức lại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều chỉnh mô hình chính quyền địa phương từ 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) sang 02 cấp (tỉnh, xã) và xác định rõ vai trò của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động.

     Việc sửa đổi Hiến pháp giúp các cấp chính quyền giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo thống nhất trong hoạt động. Nâng cao hiệu quả quyền giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, giúp nhân dân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý nhà nước. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết còn áp dụng cơ chế chuyển tiếp để đảm bảo quá trình sắp xếp lại bộ máy nhà nước diễn ra đồng bộ, không gây gián đoạn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

     Việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Đây là hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân và là biểu hiện sinh động của việc thực hiện quyền Hiến định đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Ban giám hiệu nhà trường trân trọng đề nghị toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng hoàn thiện, vì lợi ích chung của toàn dân tộc.

     (Đính kèm tài liệu dự thảo Nghị quyết)

      1.dt-nq-sua-doi-bo-sung-hp-nam-2013-phat-hanh

      2.thuyet-minh-noi-dung-sua-hien-phap-phat-hanh

      3ban-so-sanh-hien-phap-va-noi-dung-sua-doi-05.5

Các tin liên quan